Thống kê truy cập

Giới thiệu

Ghi nhận từ giải cuộc thi sáng kiến về phòng chống tảo hôn cho trẻ em và người dân trong cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Quang Bình

13/08/2021 02:17 40 lượt xem

Thưa quý vị và các bạn!

Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 498 của Thủ tướng Chính phủ, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh ta tuy đã giảm nhưng còn thấp xa mục tiêu đề ra. Thực trạng này đòi hỏi cần thêm nhiều nỗ lực để đảm bảo đến năm 2025, cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số. Để tăng tính hiệu quả và sự hiểu biết về thực trạng nạn tảo hôn trên địa bàn huyện Quang Bình, thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều mô hình và cách làm hay để triển khai quyết liệt, Cuộc thi sáng kiến (ý tưởng) về phòng chống tảo hôn cho trẻ em và người dân trong cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Quang Bình cũng là một trong những cách làm đó.

Huyện Quang Bình có 14.588 hộ, trên 66.594 khẩu; đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 92,38%. Với đặc điểm nhiều dân tộc cùng sinh sống ở những khu vực vùng sâu, vùng xa; điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí và nhận thức không đồng đều nên vẫn xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Đặc biệt, do tập tục, đồng bào Mông có tỷ lệ nam, nữ tảo hôn sớm nhất. Qua rà soát, năm 2016 - 2018, trong 2.449 cặp kết hôn thì có 36 cặp tảo hôn, chiếm 1,47%. Trước thực trạng trên, năm 2017, UBND huyện Quang Bình đã triển khai mô hình thí điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” tại xã Tiên Nguyên - địa bàn đặc biệt khó khăn, chủ yếu là dân tộc Dao, Tày, Mông sinh sống. Đáng nói hơn, 12/13 thôn chưa có điện lưới quốc gia, khả năng tiếp cận thông tin của người dân còn chậm. Toàn xã có 1.013 hộ, 4.800 khẩu; xác định việc xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết là chiến dịch lâu dài nhằm thay đổi nhận thức, tư tưởng của người dân; nên rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ngoài vai trò của đội ngũ cán bộ, các tổ chức Hội, đoàn thể; địa phương lấy nòng cốt là những người có uy tín, già làng, trưởng bản để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân bỏ những hủ tục; đồng thời chấp hành nghiêm các quy ước, hương ước của thôn, bản, dòng họ trong việc cưới... Cuộc thi sáng kiến về phòng chống tảo hôn cho trẻ em và người dân trong cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Quang Bình khi tổ chức triển khai đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, tham gia của cán bộ, công chức, viên chức, các em học sinh và toàn thể nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện; nhiều thông điệp về công tác phòng, chống tảo hôn đã được lan truyền rộng rãi thông qua các ý tưởng của các tác giả dự thi, một số đã ca ngợi các phong tục, tập quán tốt đẹp về hôn nhân của các dân tộc trên địa bàn, đồng thời cũng lên án các hủ tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân cần vận động xoá bỏ; tuyên truyền về các hậu quả, hệ luỵ của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung.

Trường TH&THCS xã Xuân Giang tham gia dự thi với 2 tác phẩm đều đạt giải cao trong cuộc thi, ngay sau khi có văn bản của xã triển khai về cuộc thi, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức triển khai tới cán bộ, giáo viên trong trường để thực hiện, lần lượt các ý tưởng đã được trao đổi và đưa ra trong các cuộc thảo luận, đặc biệt cuộc thi tổ chức trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, nhà trường cũng đã linh động trao đổi bằng hình thức thông qua mạng xã hội, để việc trao đổi ý tưởng, trao đổi tài liệu giữa các thành viên không giãn đoạn và đạt hiệu quả cao nhất. Tham gia cuộc thi với nội dung “Xây dựng mô hình câu lạc bộ nói không với tảo hôn cho trẻ em trong nhà trường phổ thông, thành lập đường dây nóng tới thôn bản phòng, chống tảo hôn trên địa bàn huyện Quang Bình” được Ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao, ý tưởng tốt, có khả năng vận dụng tại cơ sở.

Nà Khương là xã vùng III, cách trung tâm huyện 31 km nằm về phía tây nam của huyện, dân tộc sinh sống ở đây chủ yếu là người La Chí, người Mông, tập tục canh tác còn chưa cao nên đời sống kinh tế của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Hiện nay, mặc dù nhận thức của người dân đã tăng cao, đa số nam nữ kết hôn ở tuổi Luật định, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận không nhỏ nam, nữ lấy vợ, lấy chồng rất hay còn gọi tình trạng tảo hôn xảy ra ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương; đây chính là nguyên nhân căn bản ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản vị thành viên và nguyên nhân dẫn đến đói, nghèo. Nhận thức được vấn đề, các bạn trẻ của xã Nà Khương cũng đã hưởng ứng tham gia rất nhiệt tình từ sau khi được xã triển khai cuộc thi trong địa bàn,

Theo báo cáo của Ban tổ chức, trong tổng số 52 bài dự thi, có 39 bài đề cập đến sáng kiến, ý tưởng, giải pháp triển khai thực hiện về công tác tuyên truyền phòng, chống tảo hôn trên địa bàn; 13 bài thể hiện sáng kiến, ý tưởng tốt, có khả năng vận dụng tại cơ sở. Đây cũng là cách làm hay, mang tính hiệu quả cao, trong đó phát huy tốt trách nhiệm và huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức đoàn thể, như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS cùng tham gia vào công tác tuyên truyền vận động, phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình ở cơ sở.

Việc tổ chức cuộc thi đã đem đến nhiều lợi ích cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là các em học sinh, thanh thiếu niên và các bậc phụ huynh nhằm nâng cao ý thức, thấy được những hệ luỵ của tảo hôn, hôn nhân cận huyết; từ đó, nâng cao nhận thức của bản thân đối với gia đình, xã hội trong việc tuân thủ pháp luật về hôn nhân và gia đình.

quangbinh.hagiang.gov.vn

Tin khác

Văn bản mới